Ông Narendra Raval hiện 58 tuổi và sở hữu khối tài sản trị giá hơn 500 triệu USD. Ông từng nằm trong danh sách 50 người giàu nhất châu Phi do Forbes bình chọn vào năm 2015. Nguồn tài chính của ông Raval đến từ hoạt động kinh doanh thép, dây thép gai, xi măng, nhôm và cốt thép.
Điều đáng nói, không ai gọi ông bằng cái tên "Narendra" hay "Raval" mà đơn giản chỉ là "Guru". Cái tên "Guru" không liên quan tới khối tài sản kếch xù mà ông đang nắm trong tay, mà nó xuất phát từ việc ông từng là một linh mục. Ông khởi nghiệp là linh mục ở Ấn Độ và sau đó trở thành trợ lý của linh mục tại một ngôi đền tại Kenya.
Cụ thể, ông Raval từng là cựu trợ lý của linh mục tại ngôi đền Swaminarayan, thuộc giáo phái Hindu. Nhưng ông đã bị khai trừ khỏi giáo phái khi kết hôn với một người phụ nữ Kenya. Sau đó, ông bắt đầu thành lập Tập đoàn Devki Group, chuyên sản xuất xi măng và cốt thép.
Một trong những điều khiến nhiều người ngưỡng mộ tỷ phú Raval chính là tấm lòng nhân đức, khi mới đây ông đã cho dừng hoạt động của một nhà máy sản xuất thép để chuyển sang sản xuất khí oxy nhằm cung cấp miễn phí cho các bệnh viện công đang gặp khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19.
Sở hữu khối tài sản khiến bao người mơ ước nhưng ông Raval lại khiến người ta sốc vì những thứ xung quanh mình. Theo đó, ông chỉ đi 1 đôi giày có giá bình dân 60 USD, 1 chiếc điện thoại bình thường, 6 cái cà vạt cùng 4 bộ comple. "Tôi có 4 bộ comple vì vợ tôi nói tôi cần có nhiều hơn 1 bộ", ông Raval chia sẻ.
Nói về cuộc sống giản dị của mình, ông Raval thừa nhận nó xuất phát từ việc ông từng là thầy tu và xuất thân từ nghèo đói.
"Tôi từng chỉ mặc một bộ quần áo và đi chân đất suốt nhiều nằm. Tôi còn không có gì để ăn. Giờ đây tôi cũng chỉ đi 1 đôi giày và sử dụng nó ít nhất là 5 năm. không cần thiết phải có nhiều giày để đi", ông Raval tâm sự.
Chưa hết, ông Raval cũng không có ví tiền, thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ ngân hàng.
Cuốn sách mang tên "Guru: Chặng đường dài vươn tới thành công" của ông từng bán được hơn 100 triệu Shilling Kenya và toàn bộ số tiền này cũng đã được ông quyên góp cho hoạt động từ thiện.
Ngoài ra, ông còn điều hành các trung tâm bảo trợ trẻ em, cho xây dựng hàng loạt trường học và lớp học cho chính phủ Kenya, cũng như giúp hàng ngàn trẻ nghèo có cái ăn cái mặc.
"Giá trị tài sản của tôi không đến từ những con số nằm ở ngân hàng. Giá trị của tôi đến từ 6.500 nhân công đang làm việc. Giá trị của tôi là nguồn oxy mà các bệnh nhân đang được sử dụng miễn phí tại các bệnh viện mà tôi quyên tặng. Giá trị của tôi là những xuất cơm cho trẻ em nghèo. Đó mới là giá trị của tôi, chứ nó không nằm ở số tiền tôi chi cho gia đình và công ty", ông Raval tâm sự.
"Ki bo" với con trai
Chia sẻ về chuyện gia đình, ông Raval cho hay trong suốt 35 năm chung sống với vợ, ông xem mình và bạn đời là những người bạn thân cùng nhau chăm sóc và nuôi dạy con cái, cũng như chung tay xây đắp những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời. Thậm chí, giữa hai vợ chồng không bao giờ có bí mật.
"Một cuộc hôn nhân tốt đẹp là khi tôi có bất cứ vấn đề gì, tôi biết rằng mình nên chia sẻ", ông Raval nói.
Về con cái, vợ chồng ông Raval có 3 người con. Người con trai lớn nhất nay đã 30 tuổi, con gái thứ hai 22 tuổi và đứa út 15 tuổi.
Tuy nhiên, ông Raval thừa nhận bản thân cũng lo sợ những đứa con của mình không thấu hiểu nguyên tắc mà ông đặt ra.
Nhưng để giúp bọn trẻ có thể hiểu rõ tầm quan trọng được ở bên nhau, gia đình ông Raval đã sống trong căn nhà gồm 3 thế hệ. Theo đó, gia đình ông Raval có bố mẹ vợ 92 tuổi cùng sinh sống trong nhà với con và cháu chắt.
Ông Raval thừa nhận bản thân không thể dạy con cách làm sao kiếm được nhiều tiền, nhưng ông có thể chỉ cho con thấy giá trị đồng tiền và đây là bài học quan trọng ông dạy cho các con mỗi ngày.
Điển hình, con trai cả của ông Raval đi làm hàng ngày và xử lý rất nhiều công việc kinh doanh của tập đoàn. Sau thời gian theo học ở Đại học Harvard, con trai của ông Raval đã trở về nước và tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình được 7 năm.
Một trong những bài học về giá trị đồng tiền được ông Raval áp dụng chính là khoảng thời gian cậu con cả học tập và sinh sống ở London. Theo đó, số tiền mà ông cho con hàng tháng chỉ giới hạn trong 400 bảng Anh. Việc làm của ông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các thành viên trong gia đình và ông thừa nhận đây chính là khoảng thời gian khó khăn đối với bản thân. "Nhưng tôi biết tại sao mình phải làm như vậy", ông Raval nói.
"Hàng ngày, tôi từ thiện hàng triệu Shilling Kenya, do đó gia đình không thể hiểu vì sao tôi lại ki bo với con trai mình. Thằng bé đã phải tìm việc làm thêm để có tiền chi trả cuộc sống nhằm bù vào số tiền ít ỏi mà tôi cho. Đó chính là bài học về giá trị cuộc sống và đồng tiền tôi dạy con", ông Raval nói thêm.
Theo Minh Thu
Infonet